Những người thông thái, các nhà quản trị cấp cao...đều thuộc nằm lòng bài học con khỉ và quả chuối. Họ áp dụng để nhận biết bản chất con người, của nhân viên, của cộng sự....để biết ai nên đi xa với mình. "Trước đồng tiền, bản chất con người thế nào sẽ lòi ra thế ấy- trích Trên đường băng, trang mấy quên rồi". Có câu khá hay: "Tiền là máu, là nước mắt của bao thế hệ nên có một giá trị tâm linh rất lớn. Phải của mình làm ra, thật sự đổ mồ hôi công sức thì sẽ giữ được. Còn nếu không, sớm muộn cũng ra đi theo quy luật riêng, bất luận ai cũng cố giữ".
Người xưa thường thử thách lòng người như bắt đấm để thưởng xôi, nên nhiều người đã "cố đấm" đến kiệt sức để được "ăn xôi", nhưng khi đấm xong thì mệt quá, mở miệng ra không nổi. Hay chơi trò treo tiền trên cột mỡ, nam thanh nữ tú thi nhau treo lên để lấy tiền, trơn tuột, nhưng hầu như không ai từ bỏ ý định.
Ở châu Á, càng nhiều con bố mẹ càng khổ. Dù giáo dục thế nào, "cha chung không ai khóc", kể cả những trí thức bậc thầy như Lý Quang Diệu, con cái họ đều bậc tinh hoa hàng đầu những vẫn choảng nhau khi cha mất. Bất luận giáo huấn dặn dò hay di chúc, cứ còn "để lại" là còn bất đồng, tranh giành, từ mặt. Còn ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, ngày làm đám tang cha mẹ cũng là ngày toà nhận được đơn tranh chấp, dù là căn nhà nhỏ của cha mẹ, miếng đất hương hoả của ông bà hay quyền sở hữu những tập đoàn lớn. Ráng đẻ nhiều con, cho ăn học thật nhiều, thương yêu thật nhiều, hy sinh thật nhiều, tưởng là "phúc" nhưng cuối cùng lại sinh "hoạ". Cố lấy về mọi thứ (có thể) cho gia đình, gia tộc, con cái...nhưng lại chính bị gia đình, gia tộc, con cái ấy làm cho khổ tâm một đời. Người phương Tây họ gọi hiện tượng này là "lời nguyền châu Á".
Ba cái khiến người ta khổ là "tham, sân, si". Tham đứng đầu. Khi nào con người đủ nhận thức để nhận ra "phúc phần" của mình, muốn giàu có thì tự làm để tạo ra, không tham giành giật phần của người, thì tự dưng sẽ hạnh phúc.
Hạnh phúc, đơn giản chỉ là một cảm giác.