1. Tony có 6 tháng làm cho một tập đoàn tại Hồng Công thời còn trẻ. Trong 6 tháng đó, có nhiều bài học quý giá mà ông chủ và đồng nghiệp xứ cảng thơm này đã chỉ dạy.
Khi về nước, ông chủ dặn, mày không nên làm ăn hợp tác với giáo viên và nghệ sĩ. Lúc đó Tony sốc vì mẹ mình là giáo viên, còn bạn bè mình nghệ sĩ cũng nhiều, nghe như có cái gì đó không phải. Nhưng ổng nói, ý tao ở đây là phần lớn giáo viên bị bệnh chắc ăn nên làm ăn rất khó. Rủ làm ăn, họ căng thẳng lắm, 3 bữa là đòi rút vốn à. Còn nghệ sĩ, đầu óc của họ là nghệ thuật, kém về quản lý tài chính, nên làm ăn 3 bữa là lên báo khóc vì phá sản. Thường nghệ sĩ muốn làm thành công, phải có công ty quản lý đầu tư đứng ra. Tony thấy cũng đúng, vì bạn bè nghệ sĩ của mình làm ăn thua lỗ miết, tư duy về tiền bạc của họ cực kỳ lộn xộn. Tiền hàng thay vì trả cho nhà cung cấp thì đem đi trả lương, hoặc mua sắm những thứ không cần thiết do cao hứng. Thế còn giáo viên, Tony hỏi. Ông chủ đáp, đó là một nghề đặc thù. Họ chọn làm nghề giáo viên thì trong gene của họ có sự chắc ăn rất lớn rồi, mà chắc ăn lại là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CÓ trong "tố chất doanh nhân". Học sinh châu Á từ nhỏ thường ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy dỗ, nên bệnh chắc ăn ít nhiều thấm vào người. Ông hỏi, hồi năm 18 tuổi, mày có được thầy cô trường tư vấn nghề nghiệp không. Tony bảo là có, hồi đó ai cũng bắt tụi tao nộp đơn 5-6 trường. Tụi tao khối A thì nộp một khoa toán tin ĐH tổng hợp, một trường kinh tế, một trường bách khoa, rồi giao thông vận tải, thuỷ sản...rồi thêm mấy cao đẳng nữa. Cái ổng hỏi rùi mày thì sao, Tony nói tao hem chịu, tao chỉ thi có 1 trường, rớt thì thôi đi làm lao động chân tay, chứ mình có đam mê các ngành khác đâu mà thi tùm lum vậy. Nhưng bạn bè thì đều thi rất nhiều, căng thẳng vì 5 trường đều đậu, lựa chọn mắc mệt. Năng lực cứ như đa khoa, ngành gì cũng học, cũng làm được.
Nói mới nhớ bữa nộp đơn, cô chủ nhiệm thấy mình chỉ nộp một hồ sơ thì la um sùm. Thầy hiệu trưởng cũng phân tích rủi ro lắm nếu chỉ thi một trường. Quan niệm xưa cũ, trường muốn có "bề dày thành tích" gì đó, một trong những tiêu chí đánh giá là "lượng học sinh vào ĐH". Giờ nghĩ lại thấy buồn cười, học sinh vào ĐH là lựa chọn cá nhân của các bạn, liên quan gì đến trường phổ thông, vốn là nơi cung cấp kiến thức cơ bản, phổ thông cho con người. Thời Tony học, mỗi ngành chỉ có 1 trường ĐH nên Tony kiên quyết nói em chỉ thích ngành đó, trường đó. Cô và thầy phân tích cũng lâu lắm, nhưng tất cả im bặt khi Tony bảo là nhà em không có tiền, nếu thầy cô muốn thì cho em tiền đi, em thi hết chục trường cũng được. Nhưng em báo trước là ngành em chọn mà rớt, dù mấy trường kia thủ khoa thì em cũng không học. Ai cũng lắc đầu, nói thằng này lạ. Quá lạ.
2. Mark Zuckerberg, ông chủ facebook mà chúng ta đang kết nối với nhau, được xem là một bộ óc xuất sắc của nhân loại hiện nay. Câu nổi tiếng của anh: "Rủi ro lớn nhất là không dám rủi ro. Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, có một cách làm đảm bảo bạn sẽ thất bại trong mọi thứ, chính là KHÔNG DÁM MẠO HIỂM".
Như vậy, “chắc ăn” sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn “mạo hiểm“. Một con tàu ra khơi sẽ an toàn hơn việc nó nằm ở cảng. Sóng thần không gây hại ngoài khơi, nó chỉ tàn phá đất liền, nơi con tàu tưởng như bình yên trú ngụ.
Thế giới đã khác, cách tiếp cận của giới trẻ phải khác. Đặc biệt là việc chọn nghề để học và chọn việc để làm, để khởi nghiệp.
Hình mẫu ngoan hiền, vở sạch chữ đẹp, “khi đi em hỏi khi về em chào, miệng em chúm chím mẹ có yêu hem nè” không được đánh giá cao nữa. Hình mẫu cá tính, đột phá, quyết đoán, làm khác, nghĩ khác, xê dịch, mạo hiểm, thay đổi…(nhưng không hư) là hình mẫu giới trẻ mà thế giới đang cần.
Nhưng thật tiếc là cái này lại vô cùng hiếm ở châu Á. Chữ “ngoan” là một chữ không có tương đương trong tiếng Anh, tiếng Pháp. Ngoan ở châu Á nghĩa là biết vâng lời, obedient. “Không hư” mới là từ có giá trị hơn. Hãy nhận 1 bạn trẻ không hư vào làm, bạn sẽ được việc hơn 1 bạn trẻ ngoan (trừ việc văn phòng, thư ký).
3. Nhiều bạn trong CLB khởi nghiệp, khi yêu cầu thử thay đổi kiểu tóc, đầu đinh hay nhuộm mới, liền nói “ba con mắng chết”. Kêu lên Đà Lạt họp khảo sát farm thì hào hứng lắm, tới đoạn nộp tiền thì im lặng. Cuối cùng chỉ có 4/10 bạn đi, 6/10 còn lại “ba mẹ không cho, bạn gái không đồng ý”. Chưa có tỷ phú nào hỏi mẹ “mẹ ơi, con mở công ty nhé” rồi bà mẹ nói ừa mới dám mở. Làm ăn, mua bán với thể loại doanh nhân gì mà tới đoạn quyết định thì “để anh về hỏi vợ”, "để chị về hỏi chồng" thì thôi, chỉ là cò con. Công ty mà chồng giám đốc, vợ làm kế toán để “chắc ăn” thì chỉ mãi mãi nằm ở quy mô doanh số tầm tầm, vì có những cơ hội kinh doanh, “bà kế toán” không duyệt vì sợ mất.
Có bạn trẻ “chân trong chân ngoài”, vẫn đi làm, khởi nghiệp vào ban đêm hay cuối tuần, vì sợ “khởi nghiệp thất bại mà việc cũng mất“, đợi thành công mới xin nghỉ việc. Tham vài đồng lương lẻ tẻ, hoặc không tự tin về việc mình triển khai. Ở cơ quan thì lén lút làm việc bên này, ngồi bên này thì điện thoại léo nhéo việc cơ quan. Thì cả 2 đều tèo. Có bạn quyết tâm du học, luyện IELTS, SAT để xin học bổng nước ngoài mà cũng luyện luôn toán lý hoá để quyết tâm đậu ĐH tốp trên trong nước thì…cả 2 đều không đạt. Có bạn xin học bổng đi du học, tới đoạn yêu cầu viết tự luận và nộp hồ sơ thì “thôi con không đi, con đang mua nhà trả góp. Trước khi đi du học, con phải có 1 cái nhà ở đây, lỡ qua kia học không nổi thì về", phải tích luỹ đủ mấy chục ngàn đô thì mới dám qua đó. Theo các bạn du học sinh ở Mỹ, bạn nào cầm số tiền lớn qua học thì học xong là về hết, chỉ có các bạn mạo hiểm vài ba ngàn, qua đó vừa học vừa xoay sở mới trụ lại được, vì "đi làm thêm" mới quen văn hoá bản địa mà hoà nhập được. Cô bạn Tony hiện có 3 căn nhà ở Malibu, 3 căn nhà ở Beverly Hills khi qua Mỹ du học với 3000 đô vỏn vẹn trong tay thôi, còn 1 bạn khác là con của chủ doanh nghiệp nổi tiếng VN, mang 100,000 đô qua du học thạc sĩ, xong muốn ở lại mà xin việc mãi không được, vì ngoài điểm A hết trong bảng điểm, bạn không có bất cứ trải nghiệm nào với người bản địa cả.
Có bạn vừa suy nghĩ lên phương án kinh doanh để khởi nghiệp, mà cũng luyện GMAT để thi thạc sĩ, tiến sĩ. Ham bằng cấp, nhưng cũng lại ham tiền, ham thành tựu. Vừa mở công ty, vừa đi phỏng vấn xin việc chỗ lương cao. 10 năm gặp lại, vẫn ly bia ngửa cổ lên trời uống nói số mình không may mắn. 20 hay 50 năm nữa thì cũng chỉ thế. Có ai chắc ăn mà thành công đâu, chắc ăn thì CHỈ ĐỦ ĂN.
3. Không chỉ là làm ăn, bất cứ nghề gì, thế giới đỉnh cao của lĩnh vực đó không dành cho người bị bệnh “chắc ăn“. "High risk, high return". Ai rủ mình làm ăn mà “đảm bảo, không có rủi ro gì” thì một là lừa đảo, hai là đứa thơ ngây, mới bước ra từ tháp ngà lý luận. No risk thì no return. Không có cái gì mà “100% chắc thắng”. Những doanh nhân lớn của Việt Nam hay nước ngoài, ai ai cũng có tố chất của sự quả quyết, tự tin, chịu trả giá.
Bệnh chắc ăn không phải ở giáo viên mới có, mà hầu như cư dân các nước nông nghiệp lúa nước lạc hậu đều bị. Chúng ta bị "bệnh chắc ăn" chủ yếu do tác động của gia đình, cha mẹ, bạn bè, làng xóm. Họ canh tác dựa vào thiên nhiên, nên luôn có "1 vụ mùa ăn chắc", 1 vụ mùa gieo xong thì ra cúng lạy quá trời để mong mưa thuận gió hoà. Khác với các dân tộc khai phá, chinh phục, đặc tính chấp nhận rủi ro nằm trong gene của họ. Với cái la bàn thô sơ, tàu gỗ, buồm vải...họ giong lên đi dọc ngang quả đất. Bão tố khiến họ chết cũng nhiều, nhưng vì thế mà châu Mỹ, châu Úc...mới được tìm ra và trở thành trù phú. Bây giờ, trước đại sứ quán Mỹ, Úc của các nước châu Á, luôn rất đông người dân đứng xếp hàng xin visa để sang đó tham quan du lịch.
Giờ đi máy bay rồi, chắc ăn thì mới đi. Dân châu Á cứ lẹt đẹt bắt chước theo sau người ta hoài, cũng là do "bệnh chắc ăn" nó thấm sâu vào từng tế bào. Ai có nhận thức mạnh, thoát ra được thì mới bật lên, đột phá, sống phong lưu sung túc và quan trọng nhất là có thành tựu.