Sáng nay Tony đi hội thảo nhân sự doanh nghiệp, thấy có mấy ý hay đúc kết lại:
1. Vốn quý nhất của doanh nghiệp là con người. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Người ở đây phải là người có năng lực, có đầu óc. Còn người tào lao thì lỡ nhận vô rồi, chỉ ước mong nó nộp đơn xin thôi việc sớm.
2. Tính cách đầu tiên và quan trọng nhất của người có năng lực: tính chủ động. Họ không bao giờ có thời gian trống. Ở chỗ làm, họ làm việc A, việc B, việc C..., thậm chí nếu họ không đủ thời gian để làm thì họ sẽ giao hoặc nhờ người khác làm. Còn ở nhà, là nhiều hoạt động thú vị, lúc dọn dẹp nhà cửa, lúc trồng cây, lúc đi học võ đánh đàn, bơi lội, từ thiện. Sống, làm việc với người có năng lực thì sẽ không bao giờ tẻ nhạt.
3. Còn người kém năng lực thì vô cùng thụ động, não trạng và thân thể rất lười. Hỏi mới trả lời. Nên cứ phải bị hỏi, việc A sao rồi, việc B tới đâu rồi. Họ xử lý mọi thứ vô cùng chậm, vì quên. Có ai nhắc mới nhớ, mới lôi ra làm. Trong chỗ làm, quản lý phải hỏi thì mới biết nó đang làm gì, mới biết việc đó đang diễn biến tới đâu. Quản lý đưa ra nguyên tắc làm việc, quy trình làm việc và hướng dẫn vài lần, đứa có năng lực sẽ hiểu ra vấn đề và thay đổi, chủ động làm và báo cáo, còn đứa kém thì phải cầm tay chỉ việc. Đốc thúc, theo dõi đến mệt mỏi.
4. Thời sinh viên, đứa nào kêu đi làm thêm, bứt tóc móc mắt nói "không biết làm gì ngoài dạy thêm" thì có học giỏi cỡ nào, ra đời cũng chỉ là 1 nhân viên bình thường, vì không có sự sáng tạo hay quyết đoán, chịu khó chịu khổ, tính cách hay ngại ngùng sĩ diện. Nhóm này, mình chớ cân nhắc làm lãnh đạo hay làm quản lý, nó sẽ mang lại đống nợ cho công ty, hoặc khiến công ty sớm đóng cửa. Quản lý hay lãnh đạo mà để doanh nghiệp thua lỗ thì là do lỗi của họ.
5. Mình nhận nhân viên mới, thấy có tư chất, tài năng, chịu thương chịu khó thì tích cực chăm bón cho "hạt giống" ấy nẩy mầm. Còn thấy đứa bình thường, chỉ ngoan, hiền, thì nên giao việc bình thường, khả năng người ta có vậy. Kỳ vọng nhiều, thất vọng lớn. Năng lực làm việc này không liên quan gì đến bằng cấp, học vị, khả năng ăn nói, viết lách, gia thế, dòng họ. Phải giao việc thực tế thì mới biết có tài hay bất tài.
6. Hàng ngày, nhân viên nên yêu cầu quản lý nhóm (team leader) giao việc cho mình, các quản lý cấp cao hơn tìm việc cho mình. Nói mình chỉ là nhân viên, các anh là quản lý, phải làm cho ra quản lý, lãnh đạo. Cứ ra quy tắc, tụi này sẽ theo. Sai đuổi, phạt. Tốt thưởng. Chủ động đề xuất như vậy. Có bạn ví dụ ví von trong thế giới tự nhiên, từ con vịt trở lên là đã tổ chức một con đầu đàn. Con đầu đàn sẽ có trách nhiệm dắt đàn đi, tìm một bãi cỏ xanh hơn, nước ngọt hơn, cá tôm nhiều hơn cho cả đàn no bụng. Khi có kẻ thù, con đầu đàn sẽ hướng dẫn cả đàn chạy trốn hoặc chống lại. Con đầu đàn có nhiệm vụ, có trách nhiệm rất khổ, nhưng cũng có quyền lợi rất lớn. Được "ăn trên ngồi trước", được các con khác bảo vệ khi ăn khi ngủ, được quyền chọn bồ. Đó là điều vô cùng công bằng, trách nhiệm lớn thì quyền lợi cũng phải lớn, đừng mong nghèo khổ họ giống mình mà trách nhiệm thì lớn. Vậy là bất công.
7. Khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, là khuyến khích nhóm có năng lực, có đầu óc và tố chất làm chủ đang mắc kẹt vô tư tưởng ổn định chắc ăn (trung bình mỗi xã hội, nhóm này chiếm khoảng 5% dân số). Chỉ có nhóm này mới làm nên chuyện. Hem phải khuyến khích nhóm không có năng lực (95%), vì tụi nó sẽ làm theo phong trào, hào hứng cho vui 3 bữa rồi đi học thạc sĩ MBA, hay đi xin việc trở lại, chứ làm chủ gì nổi. Cũng hay cản người khác, vì mình làm không được nhưng cũng hem muốn ai làm được.
Mỗi cá nhân nên tự xét mình, khả năng không có thì mình chỉ nên yên phận làm cấp dưới, làm nhiệt tình cho người ta mà chia tiền, hem nên đứng mũi chịu sào rồi bị stress, ảnh hưởng đến nhan sắc. Đã kém, đã dở thì phải đẹp để gỡ lại.
8. Trong hội thảo có một diễn giả đặc biệt, tên Lý, 28 tuổi, người gốc Hoa. Anh Lý học tới lớp 12 thì nghỉ vì thi ĐH không đậu. Anh mày mò mở doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo 10 năm nay. Lúc anh bắt đầu chia sẻ, các diễn giả khác (vốn có học hàm học vị, đọc sách nhiều) coi thường, cười cợt. Anh thú nhận là không rành các khái niệm "điểm hoà vốn, tỷ suất lợi nhuận, quản trị chuỗi cung ứng, tỷ suất PE PS ROI...". "Ngộ chỉ biết ngộ tự làm từ cái chảo chiên bánh, rồi mở quán bán, rồi đi bỏ mối, rồi mở xưởng, rồi đông người làm quá, nhà ngộ trong Chợ Lớn hem đủ chỗ làm nên ngộ xuống khu công nghiệp dưới Long An lấy 3 héc ta làm cái nhà máy". Nghe đến đây thì mọi người choáng váng. Nhiều bạn đứng lên hỏi, anh có lời khuyên gì cho sinh viên, ra trường nên xin vào đâu để ổn định. Anh nói, nếu đi làm cho người ta, người ta phát lương cho mình, mình phụ thuộc người khác thì sao "ổn định" được. Mình làm dở, chủ nó đuổi. Mình làm tốt, nhưng chủ nó tham, mình cũng có nhiêu đó tiền. Mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng chủ quản lý bất tài dẫn đến thua lỗ, mình mất việc. Muốn ổn định, cách duy nhất là mình làm chủ cuộc sống của mình bằng cách sản xuất. Chứ thương mại mua bán thì cũng phụ thuộc người bán người mua, nó biết nhau hết thì mình mất mối. Hay mấy cái kinh doanh đa tình đa đoan, tài chính chứng khoán, môi giới bất động sản này nọ...cá nhân tui thấy có gì ổn định, vì phụ thuộc người khác hết trơn. Chỉ có sản xuất ra 1 cái gì đó, tạo ra của cải cho con người sử dụng, mới gọi là căn cơ, ổn định.
MC hỏi về "hiệu quả kinh doanh", anh không hiểu. Cái MC mới diễn nôm là "tiền lời hàng tháng", anh liền nói. "Tiền lời bấp bênh lắm. Có tháng kiếm được 6-7 tỷ, có tháng chỉ 2-3 trăm triệu thôi".
Nghe xong, một số bạn có mong ước "thu nhập ổn định" xịu mặt nhìn nhau.
Ai ai cũng muốn thu nhập bấp bênh như anh Lý.