Con người vốn sở hữu sự ích kỷ bẩm sinh, thường ghét những người hơn mình, đặc biệt là những đứa trẻ. Nhưng khi được giáo dục về lòng bác ái, đứa bé ấy sẽ dần dần nhận thức. Đứa bé ấy sẽ biết mình là ai, từ đó yêu thương mọi người xung quanh, dù là họ nghèo khổ xấu xí hay giàu có đẹp đẽ. Vì mỗi người là duy nhất, có những giá trị riêng. Mình thấy họ vậy nhưng không phải vậy, và ngược lại. Còn dù lớn tuổi hay học vấn cao thế nào, nếu lòng ganh tỵ vẫn còn, thì nhận thức vẫn hãy còn là trẻ con lắm.
Đọc Tam quốc diễn nghĩa, ai cũng biết đến nhân vật rất soái ca, vô cùng đệp choai là Chu Du. Theo truyện, Chu Du vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết ( theo truyện của tiểu thuyết gia La Quán Trung, không phải lịch sử). Đó là cái chết vì đố kỵ, mang đậm màu sắc của văn hoá Trung Hoa. Các nước lân bang chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa như Hàn, Nhật cũng bị. Bên kia sông Hàn có người đỗ tiến sĩ, ngày vinh quy bái tổ, thay vì chèo thuyền qua sông chung vui, nhiều ụ-pa bên này ngồi chửi đổng, điên tiết vì không biết vì sao nó giỏi thế. Rồi tự an ủi AQ, rằng nó may mắn chứ chả hay ho gì, chắc có ai đó nâng đỡ. Tóc xoã vai gầy, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong nó thất bại hay bị tai nạn bệnh tật ốm đau mà chết quách để hả lòng hả dạ.
Tony thích văn hoá Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cambuchia, miền Tây Nam Bộ,..., kiểu văn hoá vui vẻ, hào sảng, phóng khoáng, bao dung và thiệt tình. Chẳng hạn như vùng Cà Mau hay Đồng Tháp, trong làng ai có gì vui như đỗ đạt, trúng số, trúng lúa, thăng chức…thì hầu như cả làng bưng đồ đến, đổ bánh xèo, uống gụ, chung vui mừng rỡ một cách thật lòng. Tỷ lệ người nhiễm virus Chu Du cũng không phải là không có, nhưng ít hơn, do xung quanh mọi người ít để ý và so sánh hơn thua. Vì là vùng đất mới nên người ta phải đùm bọc nhau trong những ngày gian khó đi mở cõi, đau thật với nỗi đau bà con chòm xóm, vui thật với niềm vui của người khác, hằn trong suy nghĩ qua nhiều thế hệ, trở thành nét hào sảng phương nam vô cùng thú vị. Bạn cấp 3 của Tony ở Cái Răng, ngày coi kết quả thi ĐH, dù thi đỗ hay thi rớt gì đều cười ha hả, nói tụi tao rớt rùi, năm sau thi lại. Mày thi đậu rồi, móc bóp đưa tiền nói mày đi học mạnh giỏi, năm sau tao đậu tao lên thành phố hạc với mày, không thì thôi ở nhà làm "guộng", he he. Nhìn tụi nó thiệt dễ thương, muốn hun cái chóc.
Tony có chơi chung với nhiều nhóm bạn thời ĐH, trong đó có 1 nhóm "hạc giỏi". Thời sinh viên, nhiều lúc Tony đói xanh mặt, qua nhà trọ của bạn mượn tiền, bạn chỉ có 20 ngàn, bạn chia cho một nửa. Ra trường, nhóm bạn này bắt đầu chia rẽ, vì có ai đó khó chịu khi đứa khác tìm được việc làm ngon hơn. Rùi rạn nứt khi bạn cùng nhà trọ mua nhà ở thành phố. Sự bực bội dâng đến đỉnh cao. Trong nhóm có ai vừa mua nhà, mời đi tân gia là không đi, hay đi cũng qua nói vài câu xỉa xói móc méo. Ngồi lầm bầm, kiểu mẹ tức muốn chết, mình vẫn còn nhà trọ mà nó đã chung cư cao cấp. Rùi nhóm này chấm dứt quan hệ, không rõ tại sao.
Khi facebook ra đời, âm thầm theo dõi ngày đêm. Thấy anh bạn post tấm hình nhà mới, 2 đêm mất ngủ, ra sân đá thúng đụng nia, quánh mèo quánh chó, khiến chó mèo tàn tật hết trơn. Thấy cô bạn post status đi Mỹ du lịch với chồng, nói cái con nhỏ này ăn gì mà may mắn thế, mất ngủ 3 đêm. Coi nó cầu duyên ở chùa nào thì lao tới cầu cho được. Tất cả stt đều không bấm like, chỉ đọc. Rồi một ngày anh bạn post status mất việc, thì lòng vui mừng khôn xiết, lấy bia ra uống, lần đầu tiên bấm like. Rồi thấy cô bạn post status ly hôn, ôi trong lòng vui sướng biết bao, cho chừa, cái tội hôm bữa khoe đi Mỹ với chồng nha mậy, nhảy vô comment, ghi đại loại như ” sao vậy bạn ơi, có cần gì thì mình giúp” mà trong lòng thì ngược lại, hả hê, vui sướng, vừa tắm vừa hát vang. Đi nhậu lúc ngà ngà say, nghe bạn nói ” tôi vái ông bà cho ông bầu A rớt máy bay chết cho rồi, nhìn ông ấy sở hữu chiếc máy bay riêng mà ngứa mắt. Còn ông tỷ phú B, ông đó mà phá sản, tôi mở tiệc ăn mừng”, tâm lý ghét nhà giàu không rõ tại sao. Phụ nữ thành đạt nào cũng bị gán câu ” ôi cái con đó tài năng gì, nó cặp với ông này ông kia mới được như vậy”. Lúc này, sự đố kỵ không còn bình thường nữa, nó đồng nghĩa với cái ác, cái vô lương và nếu bạn gặp những người như vậy, không đáng giao du, kết bạn. Nhiều người, dù có hạc có hành, có chức vụ, học vị học hàm, có tiền có bạc, có vợ đẹp con khôn, vẫn mang cái văn hoá Chu Du ấy trên người, tự mình làm khổ mình ghê gớm chỉ vì BỆNH SO SÁNH HƠN THUA. Mình không chọn được nơi sinh ra, không tránh được văn hoá địa phương ảnh hưởng, nhưng mình hoàn toàn có thể nhận ra và từ bỏ văn hoá cũ và không văn minh.
Tony có anh bạn, tên X. Rất thân vì lúc cơ hàn, cần gì cũng giúp. Nhưng tính ganh đua cũng lớn. Không phủ nhận tính ganh đua cũng có mặt tích cực, đó là việc giúp mình có động lực để không thua kém bạn bè. Việc thấy Tony nói 2 ngoại ngữ lưu loát khiến anh lao vào học như điên, 5h sáng đã ngồi dậy học từ mới, tối nào cũng đến 2 trung tâm để luyện, thậm chí mời cả giáo viên tiếng Hoa tới nhà để dạy, nên anh cũng nói được ngoại ngữ khá tốt. Ganh đua, thi đua thì tốt vì nó còn là tích cực, tuy nhiên nhiều người không kiểm soát được và từ thi đua trở thành đố kỵ, ganh ghét.
Đó là lần cô giáo yêu cầu đọc cuốn “Tư Duy Lại Tương Lai” và nộp bài cảm nghĩ, Tony lùng nhà sách hẻm có, mới qua nhà anh mượn. Anh trả lời, gì chứ sách tuyệt đối không cho mượn, Tony nói vậy bạn đi chung với tôi, tôi ra tiệm photocopy sao chụp 1 bản chỉ mất 15 phút thôi, bạn nhé, giúp tôi đi. Nhưng X nói không là không, khiến Tony không nộp được bài, nhưng cũng tốt nghiệp được. Năm 2006, qua thấy Tony mua ô tô đi lại, anh về nhà vô phòng, bật đèn, tóc xoã rũ rượi, không ăn không uống không nói không cười mấy hôm liền dù anh cũng có. Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người vì không làm được nghiệp lớn.
Nên nếu có chơi với thể loại này, phải giấu mọi thứ mình có như mèo giấu ” hàng hoá Tony đang kinh doanh”, vì nếu để họ thấy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, nặng thì hộc máu chết như Chu tiên sinh ấy chứ chẳng phải đùa, mình sẽ mang tội. Bạn Nam nói, 2 vợ chồng nó nghe nói bạn X tới nhà là phát hoảng. Vì X tới, sẽ đảo mắt nhìn quanh, hỏi thăm, nếu thấy nhà Nam có mua sắm cái gì mới, X về giận, phát bệnh. Nên vợ chồng nó dọn dẹp bắt mệt. Phải gửi xe hơi đi chỗ khác, giấu cái tivi xịn vào phòng, quần áo pyjama bóng loáng phải cất, phải lập tức mặc áo cụt quần què vào, gia nhân giúp việc phải lập tức ra khỏi nhà, đi lánh mặt, núp ngoài bờ rào biệt thự. Thằng Nam phải lập tức nhảy xuống lau nhà, con vợ phải ngồi nhặt rau, vú móm lòng thòng, tóc rối bù, vợ chồng giả bộ chì chiết nhau chuyện tiền bạc nhưng phải vài đồng bạc lẻ. Con cái nó ngưng ngay việc tập đàn piano, phải lao ra sân vọc đất vọc cát, mũi miệng phải lem nhem. Đang ăn tôm cua thì phải cất ngay, lôi rau muống nước mắm ra. Gương mặt phải teo tóp hốc hác, không được phúng phính trắng hồng, X nó không thích, nó giận.
Cũng mấy lần đi nhậu, bạn nhậu nói mày biết doanh nhân thành đạt ABC không, nó dở ẹt à, lúc hạc chung với tao, rớt lên trượt xuống, ngu lắm mày ạ. Chuyện quá khứ là quá khứ. Lúc nhỏ người ta có thể hạc kém, nhưng sau này, cả quá trình tự đào tạo của họ, mình đâu có biết. Để có được số tiền đó, người ta đã phải thức khuya dậy sớm thế nào, bạc tóc tính toán ra sao, chết bao nhiêu nơ ron thần kinh …và sẵn sàng chịu n cái rủi ro. Để có được giải thưởng nào đó, người ta đã phải hy sinh những thú vui cá nhân, đã phải dùi mài kinh sử tập luyện quần quật thế nào, mình đâu có biết. Chỉ thấy thành quả và thay vì mình cũng cố gắng đạt được, lại sinh ra lòng ghen ghét, một cách rất Chu Du.
Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời, có những con người, tạo hoá cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn châu Á ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai, nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ, ráng moi móc chê bai nhau cho được. Vì vậy, khi đồng nghiệp được quốc tế công nhận, họ gần như hoá điên. Phần lớn nhà văn Trung Quốc cho rằng Mạc Ngôn bỏ tiền ra mua giải Nobel, cô lập ông sau khi ông nhận giải. Các nhà văn trẻ TQ còn thành lập hiệp hội anti- Mạc Ngôn, hoạt động ì xèo, gửi đơn thưa kiện, chưa có tiền lệ trong lịch sử Nobel văn hạc, khiến tụi Tây ngạc nhiên vô cùng. Ở Hàn Quốc cũng vậy, cứ tác giả nào có 1 cuốn sách best seller và lập tức xuất hiện 1 nhóm người anti, kiện tụng khí thế. Trí tuệ thay vì đi làm cái gì đó hay ho cho đời, lại suốt ngày đả phá người khác, thiệt uổng. Ở Nhật, Hàn, Trung, ngày bạn đồng môn nhận giải quốc tế quốc gia, thì cũng là ngày bệnh viện tâm thần nhận cả chục bệnh nhân vào khám, cũng toàn các bạn cùng lớp chuyên lớp chọn. Thi đua, so kè từng điểm số lúc học, và khi thấy mình thua thì tức tối mà sinh ra tâm bệnh, ngồi bứt tóc móc mắt, xé quần xé áo trong thật thảm thương.
Hôm bữa họp lớp, có mặt anh bạn X. Anh lại xách mé, nghe nói Tony dạo này đi nước ngoài như đi chợ ấy nhỉ. Tony chỉnh ngay, cái này là không đúng. Anh vui mừng lắm, nói thế không có tiền đi đâu à, làm ăn không được à, sắp phá sản rồi à, nói thật đi để bạn bè lo cho. Mọi người há hốc mồm nhìn. Tony mới từ từ giải thích. Năm vừa rồi, Tony đi nước ngoài 20 lần, trong khi đi chợ có 1 lần, so sánh vậy là khập khiễng. Cái anh hỏi, ủa vậy giờ phải nói sao, Tony nói là lần sau phải nói ” dạo này Tony đi nước ngoài như đi siêu thị ấy nhỉ”.
Vì Tony, dạo này hay đi siêu thuỵ...