Ở Tp HCM, chỉ có khu vực đường Lê Duẩn trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ là không bị tình trạng xe máy leo lên lề, người đi bộ ở đây thong dong cầm túi xách, nghe ĐT mà không sợ bị giật. Vì đơn giản có một hệ thống các trụ chặn bảo vệ vỉa hè (xem hình).
Trụ chặn này vô cùng vô cùng phổ biến ở đô thị các nước. Khoảng cách các trụ khoảng 30cm để xe gắn máy không thể len lỏi vào. Trụ bố trí ở 2 đầu vìa hè và dọc theo đường xe chạy, để tránh xe lạc tay lái leo lên lề, một nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra.
Các khu vực như trường học, bệnh viện nhi đồng có lượng học sinh đi lại đông, người ta còn làm cả rào chắn kiên cố cao cả mét. Có khu vực người ta còn lắp mái kính để chắn mưa.
Người đi bộ và đi phương tiện công cộng là đối tượng ƯU TIÊN NHẤT của một đô thị. Đường sát vỉa hè luôn là đường dành riêng cho xe buýt, sơn màu khác và có dòng chữ Bus Only (xem hình).
Phương tiện cá nhân chỉ dành cho người có rất nhiều tiền và vô cùng bất tiện, giao thông đô thị phải hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách luôn gây khó dễ ở mức cao nhất cho người ta nản, ví dụ tiền lưu thông vào nội đô, chi phí đậu xe cao ngất 3-5 USD/h, phải đỗ xe hơi xe máy ở một điểm tập trung rồi đi bộ lại, các parking lot này cách nhau 1-2km có một bãi đỗ. Đô thị nào có trên 2 triệu dân cũng thế cả, đỗ xe ở New York, Seoul, Băng Cốc, Manila hay thậm chí Rangon cũng thế. Tiền này lấy bù vào tiền vé xe buýt, tàu điện, chăm sóc vỉa hè, cây xanh....Ai muốn tự do thoải mái cá nhân thì phải bỏ tiền ra.
Mọi công viên trong nội đô đều được cải tạo phía dưới có 2-3 tầng hầm làm bãi đậu xe, trên vẫn là cây xanh bóng mát.
P/S: Không thành phố nào có chi phí đậu xe hơi rẻ như Sài Gòn, đậu trước khách sạn New World (công viên 23/9) chỗ vạch thu phí mỗi lần chỉ có 5000 đồng, tội gì chả đậu cả ngày cho sướng. Xe máy thì vô cùng thoải mái, uống quán cà phê nào thì đậu xe trước quán, có người coi giùm. Xe máy đậu kín mít vỉa hè, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường. Trong khi vỉa hè, là nơi dành cho người đi bộ, không phải parking lot. Sân trường cũng vậy, là nơi vui chơi của học sinh sinh viên lúc tan học, không phải là bãi giữ xe.
Các trường học trong nội đô ở Băng Cốc, Jakarta, Manila, Quảng Châu...ở bậc tiểu học, trung học, nhà trường phải bố trí xe buýt đưa đón học sinh. Từng địa bàn sẽ bố trí một chỗ đưa/đón, thường là UBND phường hoặc nhà văn hóa hoặc công viên,, chung cư hoặc chỗ nào đó rộng rãi. Phụ huynh có thể đến đó đón về, hoặc ký với nhà trường đón/trả con về tận nhà (sở làm) với chi phí cao hơn.
Đô thị hiện đại phải rất khác một thị trấn hay thành phố nhỏ ít dân ngày xưa. Khác về tư duy quản lý lẫn tư duy của mỗi cư dân đô thị.