Sự cố sập cầu Ghềnh và thành phố đang cho người dân hiến kế trong việc nên hay không nên di dời ga Sài Gòn đi ra khỏi ngoại thành, cụ thể là dùng ga Sóng Thần là ga chính. Quan niệm riêng của Tony là nên dời.
1. Ga cũ, đường tàu cũ do Pháp thiết kế cho quy mô thành phố Sài Gòn với mức dân số cao nhất dự kiến là 2 triệu dân, hiện đã tăng gấp 4-5 lần về dân số. Đường sắt khổ nhỏ rất lạc hậu cả trăm năm. Quy mô nhà ga khá nhỏ. Một ngày, nhất là giờ cao điểm, việc nhân viên ngành đường sắt rào chắn vất vả ở các điểm giao cắt như Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng. Việc xây dựng các cầu vượt rất tốn kém và nguy hiểm vì lượng giao thông hiện nay ở các tuyến đường cắt ngang cực lớn. Xây dựng đường sắt khổ nhỏ lại lạc hậu, trong thành phố chỉ dùng đường sắt nội đô, tức hệ thống metro như các nước.
2. Ga cũ nên quy hoạch thành bến xe buýt nhanh trung tâm thành phố. Xe buýt nhanh là một phát minh vĩ đại của người Nam Mỹ để giải quyết kẹt xe. BRT viết tắt là Bus Rapid Transit, hiện đang là lựa chọn tốt nhất cho các thành phố trên 5 triệu dân. Băng Cốc, Jakarta, Quảng Châu, Bắc Kinh, Paris, Istabul, Seoul, Mumbai...đều có hệ thống này (xem list đính kèm trong phần comment).
Đường sắt cũ, chỉ cần đổ bê tông lên là có thể thành hệ thống đường BRT riêng, chỉ dành cho BRT, không cho các xe dân sinh khác, cũng như không cho người dân trổ cửa ra đường buôn bán (vẫn sử dụng hành lang và rào chắn cũ, không thay đổi hiện trạng, người dân 2 bên có lợi thế là đỡ được tiếng ồn và ô nhiễm do tàu hoả gây ra). Ở các điểm giao cắt, lắp các hệ thống đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ như thông thường là được. Các trạm lên xuống cũng đặt ở các điểm giao cắt hoặc chỗ đất rộng như công viên. Người dân các quận ngoại thành như Thủ Đức, Quận 9 hoặc Bình Dương, Biên Hoà...có thể đến ga Sóng Thần gửi xe máy xe hơi ở đó và đi xe BRT vào nội thành làm việc. Ở ga Sài Gòn cũ, bố trí các tuyến bus toả ra khu vực Bến Thành, Sân bay, Chợ Lớn, Phú Mỹ Hưng, Đầm Sen....để giảm áp lực cho buýt trung tâm Bến Thành và công viên 23/9.
Nếu đường sắt cũ mà trở thành đường giao thông thông thường, xe máy xe ô tô lại chen chúc, con đường này quá nhỏ và không có khả năng giảm tiết cho giao thông nội ô.
3. BRT là hệ thống giao thông vô cùng thuận tiện và phù hợp nhất cho các đô thị lớn ở nước ta hiện nay, sau nay phối hợp với hệ thống metro, buýt thông thường, buýt du lịch hop-on hop-off, buýt đường sông...sẽ giúp cho hệ thống công cộng thành phố phát triển.
Bất kỳ một thành phố trên 2 triệu dân, phương tiện công cộng như xe buýt phải là ưu tiên ở mức cao thứ 3 chỉ sau xe cứu hoả và cứu thương. Nếu tiếp tục để giao thông cá nhân chủ yếu như hiện nay, tp HCM 10 năm sau sẽ ra sao. Hẹn một cuộc gặp, đi xe máy xe hơi từ quận 7 lên quận 1 sẽ mất bao nhiêu giờ? Một ngày chỉ có 8h lao động, mà kẹt xe tắc đường chiếm quá nhiều thời gian ngồi trên đường thay vì ngồi ở phòng họp hay lớp học, công ty nhà máy.... Nếu phương tiện công cộng không phát triển, viễn cảnh của Manila sẽ được lặp lại. Hiện nay, người dân Manila phải đi từ 5h sáng để đi học đi làm, cho một đoạn đường chỉ 10-15 km. Sức hút và sức mạnh kinh tế của Manila đã bị thua kém so với các đô thị khác như Jakarta, Băng Cốc, Kuala Lumpur, Đài Bắc,...dù quy mô dân số, người giỏi tiếng Anh...ở đây đều ở mức cao hơn.
Tp HCM là một siêu đô thị của thế giới. Mỗi công dân thành phố đều là công dân toàn cầu, chúng ta không thể khác biệt.
Và Tp HCM là nơi Tony sinh ra, Tony thật sự yêu mến thành phố này, đất nước này. Những gì Tony đã viết, đã làm...chỉ mong muốn xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
Vì là một người có gương mặt hết sức thanh tú và tính tình hào sảng dễ thương, Tony không có khả năng chỉ trích, chỉ có khả năng đóng góp và đóng góp...
Khóc.