Home » » 100 bài dạy làm ăn: Kỹ năng Street Smart (Bài 3)

100 bài dạy làm ăn: Kỹ năng Street Smart (Bài 3)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 
------------------------------------------------------------------------------
Bài 3: Kỹ năng Street Smart (SS)

Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà một người làm ăn cần có.

Smart khác với intelligent ở chỗ là Intelligent thì IQ (chỉ số thông minh) phải cao, nhưng smart thì IQ và EQ (chỉ số cảm xúc) đều phải tương đối. Smart là thông minh thực tế, còn intelligent là thông minh hàn lâm. Ví dụ nói she is very intelligent, tức cô ấy học rất giỏi, nhưng nói she is very smart thì cô ấy phải biết phản ứng lại một cách thông minh, chứ không phải chỉ đưa cặp mắt cận nhìn đắm say người hỏi.

Street là đường phố. Như vậy SS chính là sự thông minh lanh lợi MÀ MÌNH CÓ ĐƯỢC từ đường phố. Đường phố có ai? Loại người gì có mặt ở trên phố? Ai cũng có. Chính vì vậy, việc ra phố và va chạm với đủ thể loại người, sẽ giúp mình có được SS.

Mọi doanh nhân thành công trên thế giới đều có SS. Ông A từng phải gõ cửa từng nhà bán tủ lạnh mới trở thành ông chủ nhà máy sản xuất điện tử lớn. Ông B phải từng làm cò đất kiếm chút hoa hồng trước khi có được hàng chục khu công nghiệp…Chính “street” đã dạy các ông ấy phải làm sao để kiếm tiền, và không mất tiền một cách “smart” nhất.

Các bạn nhớ câu chuyện “du hạc sinh và chuối hóa” chứ? Có anh tiến sĩ tài chính, mấy chục năm chưa về nước, vừa xuống sân bay ngơ ngác hỏi Bình Thạnh cách Tân Sơn Nhất bao nhiêu dặm hả em, thế là bị nó chạy vòng vòng mất hết mấy triệu. Vì anh tiến sĩ ấy quen sống trong tháp ngà, tốt nghiệp tiến sĩ, rồi vô các tòa cao ốc ở New York Paris, toàn gặp người mặc vét và nói chuyện đòn bẩy tài chính, chỉ số ROI riếc, nên đến một nước đang phát triển, nửa đêm nửa hôm, gặp anh lái taxi thì việc kể lể tôi là Việt Kiều 20 năm chưa về nước, tôi ôm một cục tiền về nước làm ăn, tôi giàu có thế này thế kia…thì bị nó chém đẹp là đúng rồi. Nên nhiều bạn đi chơi ở các nước như châu Phi chẳng hạn, về chê thế này thế kia vì các bạn không có SS. Ở cái xã hội đó, nó sẽ phải như vậy, xã hội đang phát triển cần thời gian để được tốt hơn, mình phải quen với nó, tự mình điều chỉnh cho phù hợp.

Các bạn cũng nhớ chuyện ở Davao? Tony đi vào một thị trấn trong núi rất xa thành phố, và nửa đêm check-in khách sạn, trên tường khách sạn vẫn còn vết đạn loang lổ của các lần chạm súng với lực lượng bắt cóc? Lúc đó, nếu mình tỏ ra đỏm dáng, nói tôi là doanh nhân đi đầu tư, có phòng VIP hem, có spa hem…thì nửa đêm nó vô bắt cóc ráng chịu. Còn nếu chỗ nguy hiểm mà ai hỏi, mình nói tôi là sinh viên đi du lịch, sẽ là sự an toàn cho tính mạng mình. Hay ở sân bay, người ta nhờ xách giùm hành lý qua cổng an ninh, chớ dại mà giúp đỡ. Ai biết trong đó có cái gì, lỡ ma túy thì sao. Nếu qua trót lọt thì tới kia, nó xin lại, mình chẳng được gì. Nếu không qua thì mình là người dính chưởng. Nếu người đó không đủ sức mang cái giỏ đó qua cổng an ninh, thì chẳng có khả năng xách cái giỏ đó từ nhà lên sân bay. Nên mình phải phán đoán chứ không phải ai cũng giúp. Kiểu ra nước ngoài gặp khủng bố làm rơi súng, nhặt lên đưa cho nó, nói súng của chú nè, lần sau cẩn thận hơn nghen chú.

Cách đây chục năm, có một sinh viên sang London học thạc sĩ. Nửa đêm, anh xuống tàu điện ngầm để đi về nhà, và vẫn như mọi khi, anh đứng chờ tàu ở vạch màu vàng cách đường ray 1m30. Lúc đó đã rất khuya, đang đứng thì có nhóm thanh niên người bản xứ đi nhậu về, say xỉn, đứng chung đợi tàu. Rồi họ đùa giỡn, đẩy anh xuống đường ray trong lúc tàu vừa tới. 12 năm phổ thông cha đưa mẹ rước, 4 năm đại học sáng đến trường chiều về nhà, anh không biết là với nhóm thanh niên say xỉn, mình không nên dây vào họ, không nên đứng gần họ. Nên các bạn trẻ cần có SS, để đảm bảo tính mạng cho bản thân mình, đặc biệt khi xa xứ, một mình…

Có nhiều bạn trẻ lâu lâu ra phố chơi, gặp bọn giang hồ vặt, nó chửi ví dụ ĐỤ MẸ, cái ngơ ngác hỏi chú ơi đụ mẹ nghĩa là gì? Vì xưa nay ở trường không ai nói, ở nhà thì bị cấm tiệt, đọc sách báo thì chỉ viết tắt là Đ.M, cứ tưởng Đan Mạch. Cái lấy Iphone ra mở từ điển ra dò nghĩa, bị giật mất ĐT, đứng khóc vang dội. Cho nên các bậc phụ huynh cứ mạnh dạn giáo dục cho con cái mình, từ đấy là xấu, không nên nói, nhưng không nên cách ly, phải cho ra phố. Vì có cách ly mãi được đâu. Mình không nói nhưng sẽ có người nói. Có nhiều người ra đường, đụng xe với mấy thằng choai choai, bèn xuống xe “làm cho ra lẽ”, “dạy cho bài học”…Nhưng vấn đề là có làm cho ra lẽ với bọn nó được không, hay tranh cãi một hồi thì nó đâm cho một phát. Nó đang tuổi nổi loạn, có biết sai biết đúng là gì, lại lúc điên tiết nữa. Tiết là máu, điên tiết là máu điên, máu này chảy lên não thì có biết gì nữa mà “ý thức giao thông” với “con nhà giáo dục, học lớp mấy”. Nên tránh bỏ đi, tránh voi chẳng xấu.

Trong làm ăn cũng vậy. Mình có SS để biết lúc nào cương, lúc nào nhu. Chứ hẻm phải cương miết, đứt mạch máu chết à. Còn nhu miết, nhũn miết thì làm ăn gì? Ví dụ. Giả sử cá lớn cắn câu, mình cố giật như thông thường, kết quả là dây câu sẽ đứt, cần sẽ gãy. Con cá đấy với lưỡi câu trong miệng, mấy ngày sau cũng sẽ chết. Hồ nước sẽ thối vì xác cá phân hủy. Cả ba đều lose-lose-lose, mất hết. Trong khi đó, với người có SS, họ sẽ thả dây ra lúc cá lớn cắn mồi. Để cá chạy vòng quanh, rồi từ từ thu dây câu lại. Rồi cá lại vùng lên, rồi mình lại thả ra rồi thu lại. Một hồi cá mệt, cái mình kéo lại gần bờ, dùng vợt vớt lên. Cần câu thì vẫn nguyên vẹn, con cá thì vẫn sống nếu được tháo lưỡi ra, thả lại dưới hồ hay đem bán đều có giá trị kinh tế, hồ nước vẫn trong xanh. Cả ba đều win-win-win, thắng hết.