Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách thủ đô Jakarta 180km và nằm ở độ cao 768m so với mặt nước biển, Bandung rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là xem xét là thủ đô của đất nước này dưới thời thuộc địa Hà Lan, vì tụi Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới nếu họ sống ở xứ nóng nhiều năm).
Tony ấn tượng nhất khi đến Bandung là cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony đi từ Jarkata, chỉ mất đúng 2h là đến được thành phố này (dù từ sân bay Jarkata đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung vẫn còn là thành phố nghèo. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, y chang như cà chua, bắp cải ở Đà Lạt bây giờ. Rồi người dân Bandung đi tha phương cầu thực, vì để du lịch đến đây, người dân phải mất 6-7h vì đường quá xấu.
Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh của nhóm người “cứ quyền lợi là đòi cho được”. Họ tự tu sửa bảo trì cho đường đẹp, đường xấu không ai đi, thua lỗ ráng chịu. Và rất nhiều công ty lớn của Indonesia tham gia kinh doanh đường cao tốc dưới hình thức này. Vì họ biết, có con đường CAO TỐC, là có TẤT CẢ.
Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, chỉ đúng 9 năm sau, Bandung trở thành một công chúa được đánh thức. Tony thấy trên đường, hàng hàng xe container nông sản lũ lượt kéo về cảng Jakarta để xuất. Các nhà máy dệt may dời về Bandung khá nhiều, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ được trồng nhiều khủng khiếp. Các ngọn đồi hoang trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau...cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch hoặc mua lại của hàng xóm.
Indonesia có trữ lượng dầu khí lớn, và có nhiều nhà máy lọc dầu, nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000 đồng một lít. Dầu thì còn rẻ hơn. Các công ty vận tải nông sản từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá xăng dầu để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).
Ở Bandung, đẹp nhất là ngọn núi lửa. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi lửa vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, giá rất rất rẻ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà. Các bồn tắm thường bằng xi măng, lọc tràn, lấy nước trực tiếp trong lòng núi chảy ra, thường không có mái che để mùi lưu huỳnh bay đi không gây hại.
Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, xung quanh chỉ có bức tường cao đâu 3 mét. Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong bồn nước, ngắm trăng và định đọc thơ, thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay thò ra sau lưng. Tony rú lên 1 tiếng, rồi ngất…(nên không biết chuyện gì để kể tiếp theo). Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo...Hết