Home » » Một lá thư gửi dượng Tony và nhóm tình nguyện

Một lá thư gửi dượng Tony và nhóm tình nguyện

Một lá thư gửi dượng Tony và các bạn nhóm tình nguyện

Có câu, Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Ai cũng muốn làm nên điều gì đó thật ấn tượng, để khi chết đi, nhân thế còn nhớ đến mình. Con không nghĩ mình sẽ làm được cái gì to lớn, bởi mỗi người có phúc phần riêng. Thôi thì mình sống ý nghĩa, giúp được người khác là vui rồi.

Có lẽ bản tính hiền hòa, nhút nhát của con đã được định sẵn. Mở miệng nói dối là tim đập chân run, mắt thì mấp máy. Mẹ cũng dạy con rất kĩ điều này. Con còn nhớ lúc nhỏ, nhà con nghèo lắm. Mẹ con bình thường như mọi bà mẹ lam lũ trên dải đất hình chữ S này. Mỗi chiều ngoài giờ học, con phụ mẹ bán cá, khi chuẩn bị dọn hàng ở chợ về, con luôn thấy vui vì sắp được về nhà. Nhưng vui hơn là được mấy cô mấy dì trong chợ kêu cho đủ thứ đồ từ rau cải, xương heo, tàu hủ…Nhà tuy đông người, 6 người, nhưng dùng cho bữa tối thì không hết. Ngày nào mẹ cũng phân ra từng bọc nhỏ đồng đều, cả rau cả thịt. Đi bộ từ chợ về, mẹ dẫn con ghé vào từng nhà những người nghèo trong xóm. Họ nhận rau thôi mà đôi mắt rạng rỡ. Người cắt lúa mướn, người đào đất thuê, người lặn lội giăng câu kiếm từng con ếch con lươn. Lúc đó, con thấy trong lòng mình trào dâng niềm hứng khởi lạ lùng mà đến sau này con mới hiểu trọn vẹn.

Ngày con lên Sài Gòn đi học một mình, mắt mẹ buồn buồn. Mẹ dặn, làm gì cũng được, không làm tốt cũng được, chớ có hại người khác. Con chọn được đường đi còn nhờ người mẹ thứ 2, là một cô giáo dạy môn địa cấp 3. Cô xem trò như con, dạy đủ thứ chuyện đời. Ngày ra đi cô dặn: “Cô muốn em trở thành một nhà báo giỏi”, D. à.

Tốt nghiệp và trở thành nhà báo, công việc cứ thê xoáy cuốn con đi. Thành nhà báo lớn, con làm chưa được. Nhưng bây giờ ngẫm lại lời cô, của mẹ, con đã không phụ lòng dạy dỗ và kì vọng của 2 người phụ nữ nơi phương xa đang theo dõi từng bước chân con. Là một nhà báo chân chính, mình viết bài phải khách quan, đưa ý kiến đa chiều để không oan, không thiên vị cho ai. Không ngừng chăm chỉ để mở rộng kiến thức, quan hệ. Với đối tượng, chủ yếu bây giờ là doanh nghiệp, chân thành chia sẻ. Chuyện vòi vĩnh tiền bạc quà cáp càng không thể làm. Đó không chỉ là đạo đức báo chí, nó còn là đạo đức con người.

Từ khi sang năm 2 đại học, con tham gia mọi lần đi tình nguyện, cũng là để khám phá cuộc sống mới. Đi thăm làng trẻ em SOS, ráp xe lăn tặng cho người tàn tật, cùng bạn bè mang quà tặng những người khó khăn… Giờ ngồi nhớ lại thấy đẹp và nhẹ lòng làm sao! Ôi thời sinh viên của con thật đẹp.

Con đến với Dượng và các bạn ở Câu lạc bộ này cũng bắt nguồn từ lí do tương tự. Có cơ hội giúp đỡ người khác trong khi mình có thể, mình cứ làm thôi. Con rất thích lời cảnh báo của Dượng: làm cái này không có tiền mà còn tốn tiền, ai dám làm thì đăng kí. Và cũng rất mừng khi thấy, có nhiều người dám lấy sự chân thành ra đối đãi với người xa lạ, 80 người khùng khùng, trong đó có con.

Con không dám hứa sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ Dượng giao, nhưng con hứa sẽ làm hết sức mình, không ngại nhiều ngại khổ. Và Dượng cũng chớ lo về chuyện con là một phóng viên. Con tham gia với tư cách người làm tình nguyện, như bao bạn khác. Câu lạc bộ là nơi để góp sức, không phải nơi để tác nghiệp.

Con không phải là một người thông minh và tài giỏi, nhưng bằng sự nhiệt tình sẵn có, con tin mình có thể giúp nhiều bạn khởi nghiệp thành công.

P/s: Tony ít khi xúc động, nhưng đọc 80 lá thư của các bạn, là 80 lần nước mắt rơi. Những người trẻ Việt Nam luôn đẹp, và mãi mãi đẹp. Có một dân tộc duy nhất mang tên người Việt trên thế giới, cùng nhau xây dựng cho giàu có văn minh bằng người Nhật, người Hàn...