Home » » Chuyện con bò sữa

Chuyện con bò sữa

Đầu năm nay, nghe thầy nói xuất hành hướng Đông Bắc mới tốt, Tony bèn book vé đi Nhật. Tony hay vậy, ai nói xuất hành hướng Tây là đi châu Âu, hướng Bắc là đi Nga, hướng Nam là đi Úc…thành một thói quen vô cùng giản dị.
Vừa sang Nhật, lên FB ghi check-in ở sân bay Narita khoe với bạn bè, bỗng dưng có comment của ông thầy bên Mỹ, dạy môn Leadership, nói thầy cũng đang ở Tokyo. Tony mới hẹn thầy đến quán cà phê hình logo con chim én, tên gì quên mất. Thầy dắt theo 2 anh bạn, 1 Nhật 1 Đức, đều là cựu hạc sinh khóa trên. Anh người Nhật làm tư vấn, anh người Đức làm cho một công ty sản xuất thiết bị di động lớn. Anh người Nhật nghe Tony từng làm việc cho big 6 của Nhật thì à nồ à nồ miết (big 6 của Nhật gồm 6 hãng lớn là Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Fuyo, DKB, Sanwa họ gọi là Keiretsu, phải rất đẹp trai đẹp gái mới được nhận). Keiretsu tức tập đoàn sản xuất từ máy bay đến cây kim sợi chỉ, xây dựng sân bay, đường sá, bến cảng…với doanh số vài trăm tỷ đô, lớn hơn GDP của nhiều nước). Sau này, Hàn Quốc học tập mô hình Keiretsu để thành lập Chaebol như Samsung, Hyundai, LG, Kumho…Tony cũng bắt chước thành lập Tập Đoàn Phượng Tím nhưng vỏn vẹn có 2 nhân viên và 1 căn nhà cấp 4 xập xệ...suốt ngày bị bà chủ đòi tiền thuê nhà nheo nhéo ngoài cổng. Mang phận chủ tịch tập đoàn chứ chạy xe wave alpha, lâu lâu hết xăng thì dắt bộ, bịt khẩu trang, đeo kính đen kín mít vì sợ đối tác chạy xe hơi qua, nước văng vô mặt.
Lại lan man rồi Tony ơi. Thôi vô nội dung chính. Anh người Đức kể, trước đây các công ty công nghệ cao đều có nhà máy ở Trung Quốc, vì nhân công rẻ và có thể bán ra cho thị trường đông dân này. Nhưng chịu không nổi sau một thời gian. Anh kể, một buổi sáng bước vô nhà máy, quang cảnh vắng lặng như tờ. Nhân viên kéo nhau qua nhà máy bên cạnh hết, kể cả bảo vệ. Ảnh nói, lúc thấy nó xây một công trình gì to to bên cạnh với kiến trúc y chang là nghi rồi. Mọi thứ của nhà máy bên cạnh copy 100% như đúc. Thậm chí chỗ ngồi của cô Li phòng chứng từ cũng hướng ra cửa sổ màu xanh, số điện thoại 99999 thì biến thành 99998. Thương hiệu cũng na ná, bên này Honda thì bên đó là Hondao, bên này là Adidas thì bên đó là Adidos, bên này là Apple thì bên đó là Abble, bên này là quả táo cắn dở thì bên đó là quả dưa hấu cắn dở. Giám đốc các công ty Smartphone cũng mặc áo thun quần jean đi qua đi lại trên sân khấu, nói chuyện y chang Steve Job, và thậm chí có ông còn mơ ước bị ung thư chết ở tuổi 54 cho giống vĩ nhân.
Thế là mấy công ty này phải sang các nước Đông Nam Á đặt nhà máy. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi thuyết phục hội đồng quản trị mang nhà máy tỷ đô sang các nước ĐNA là tâm lý e ngại nguồn nhân lực không đủ khả năng vận hành. Như đợt tuyển cho nhà máy Intel ở Tp HCM năm 2008, trong 2000 kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp ngành IT cả nước, chỉ có 40 người đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ. Phần lớn không nghe tiếng Anh được (Tony về kiểm tra lại lời anh nói và phát hiện là đúng, link: nhấn vào đây)
Các bạn sinh viên Việt Nam đang học ngành công nghệ thông tin (IT) thân mến. Kể cho các bạn nghe chuyện này. Năm 2005, trên chuyến bay đi Texas, Tony ngồi cạnh 1 bạn tên Vương, người Đà Lạt. Đường dài nên nói chuyện đỡ chán. Bạn kể bạn tốt nghiệp tin học ĐH Bách Khoa, mù tiếng Anh vì nghĩ không học được. Ra trường xin việc không được nên mất 3 năm làm việc ở một cửa hàng sửa điện thoại di động, lương có 4 triệu. Bỗng dưng một lần, bạn đi về quê, ghé thăm ông chú ở Đức Trọng, nhà ông chú này nuôi bò sữa. Ông chú nói 1 con bò 1 tháng mang lại thu nhập cho chú ấy 5 triệu tiền sữa. Bạn nói lúc đó, trong lòng bạn suy nghĩ ghê lắm. Bạn bèn thay đổi, chứ vầy miết cuộc đời chán chết. Tiền 3 năm dành dụm, bạn đăng ký học 1 khóa IT ngắn hạn 6 tháng của một trung tâm Ấn Độ, vừa học IT vừa học ngoại ngữ như điên, tắm ngoại ngữ trong suốt 6 tháng đó, đi toilet cũng có cái máy đeo bên mình phát ra những bài hội thoại. Bạn xin được học bổng sang Ấn thực tập 1 tháng, vật lộn với cà-ri để tồn tại, “đến nỗi mồ hôi của em cũng mùi cà-ri luôn”- bạn kể.
Bạn kể, đúng như cuốn Thế Giới Phẳng viết, cả thành phố Bangalore làm việc 24h. Tổng đài điện thoại các công ty bên Mỹ chuyển sang Ấn, tiếp tân Ấn nghe, chuyển đến các bộ phận chăm sóc khách hàng. Rồi bác sĩ Mỹ khám bệnh, chụp X-quang, tới 5h chiều chuyển qua Ấn Độ, bên Mỹ ngủ 1 đêm, sang mai lên bệnh viện thì đã có thông tin đầy đủ bác sĩ bên Ấn Độ đọc, gửi lại, bác sĩ Mỹ chỉ việc kê toa. Gia sư Ấn Độ cũng lên mạng dạy kèm học sinh Mỹ, rồi kỹ sư cũng vậy. Do chênh lệch múi giờ nên bên Mỹ ngủ thì bên Ấn Độ thức, làm việc cho nước Mỹ, nhân viên ở Bangalore chứ hưởng lương Mỹ mấy ngàn USD là bình thường.
Bạn kể bạn xin tham gia làm thêm với ông thầy. Sau 1 tháng, bạn về nước, làm gia công phần mềm cho ông thầy bên Ấn luôn, làm xong gửi online qua. Bây giờ bạn đi Mỹ xuất khẩu lao động, cũng ngành IT, tự tìm việc, tự xin visa, tự đi, kiếm tiền vài năm thì sẽ về Đà Lạt mở một trung tâm phần mềm, gia công xuất khẩu cho nước ngoài, giải quyết việc làm cho sinh viên tin học ĐH Đà Lạt, vốn rất giỏi nhưng không có đất dụng võ. Sinh viên VN thông minh lắm, nhưng ngoại ngữ thì kém do các bạn không chú trọng đầu tư học tập hoặc sai phương pháp. Nên kiếm tiền rất ít, uổng lắm anh à. Với kiến thức tin học đó, người có ngoại ngữ kiếm được 50 triệu tháng còn người không có ngoại ngữ chỉ kiếm được 1/10.
Nghe bạn kể xong, Tony bèn bấm chuông gọi tiếp viên mang cho bạn ly sữa tươi. Bạn cười hi hí, nói anh thiệt là tâm lý…