Để có được gương mặt sáng trưng
Nói chả phải khoe, tới giờ, Tony đi được 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó 1 nửa là đi mần ăn, tức sang o ép nó mua phân mua thuốc, còn lại là các đợt đi du hạc, hay các hội nghị, hội thảo chủ yếu về nông nghiệp, kinh phí các chuyến đi này thường do nước ngoài tài trợ. Tony cứ viết 1 cái thư sang, nói muốn đi, lời lẽ không rõ thú vị sao đó mà sau đó bọn nó ok ngay và chuyển tièn để mua vé máy bay và chuyển thư mời sang để làm visa. Đấy, viết dễ thương nó được lợi như thế đấy, các bạn nếu đang là hạc sinh sinh viên thì cố gắng hạc văn cho tốt vào. Nhưng nhớ phải sáng tạo nhé, vì thư mà có tính chất copy từ ý tưởng đến cách trình bày của ai đó thì tụi Tây nó ném vào sọt rác ngay sau khi đọc 2 dòng.
Như Tổng đây lúc đi thi đại hạc, cũng ô mega tê cộng phi, cũng tính số mol vừa đủ, cũng biết cân bằng để axit với ba zờ cho ra muối và nước ( nên chúng ta có thể áp dụng cái này, nếu lỡ giựt bồ của ai đó mà sợ tình địch nó tạt axit, thì nhớ thủ 1 lọ ba zờ trong túi. Lỡ bị tạt axit thì móc lọ ba zờ lên tạt lên ngay để tạo phản ứng trung hoà ra muối và nước, thế là an toàn...). Ủa quên, vì khối A nó vào được nhiều đại hạc, nên nhiều bạn tập trung quá mức, thậm chí thời Tony hạc, có bạn giải bộ đề tuyển sinh từ năm lớp 10, nên sau 3 năm luyện, thi trường nào cũng hai mấy điểm, nhưng viết chính tả sai be bét, thậm chí không biết biện chứng nghĩa là gì. Cái ra trường, viết đơn xin việc thì lủng củng, luộm thuộm, diễn đạt không trôi ý muốn nói, mà ác là một số đại hạc lớn hay công ty lớn, nó bắt phải viết tay nó mới chịu.....nhận vô hạc hay làm.
Ra trường đi làm còn ác hơn. Trừ đặc thù kỹ thuật trong sản xuất hay sửa chữa máy móc thiết bị hay lập trình, các việc khác đòi hỏi kỹ năng truyền thông. Lúc này người ta nói chuyện với nhau, giao tiếp với nhau bằng email, điện thoại, các cuộc gặp gỡ, đàm phán, trình bày, thuyết trình...những kiến thức toán lý hoá sinh kia trở nên hết sức mờ nhạt, thậm chí không dùng. Không ai hỏi mày tính giùm tao cái lim log này hay cái sin cos kia, khúc xạ ánh sáng, bước sóng tần số gì ráo trọi..mà nó thấy nói trơn tru lưu loát là khen hay. Tất nhiên dân tự nhiên có cái logic tốt, nên trình bày rõ ràng, không có miên man như dân văn chương. Nếu là dân tự nhiên mà có được kỹ năng nói tốt và viết tốt, thì ra trường xin việc ngon lành hơn và làm việc cũng ngon lành hơn.
Chưa kể là lúc trà dư tủu hậu, người ta nói về lịch sử, về địa lý, về văn chương thơ phú, về luận điểm này triết lý kia. Nên ai có kiến thức này, dễ được lòng người khác. Hay trong giao tiếp tiếng ngoại quốc, có những chữ mình chưa biết hoặc nghe không ra do họ phát âm lạ, nhưng kiến thức xã hội đó giúp mình đoán ý và trả lời lại ngon lành. Thật ra là do Tony chăm đọc sách. Sách là hệ thống các vấn đề đã được sắp xếp, nên mình đọc nhiều, vô hình trung sẽ sâu vào tiềm thức, tự nhiên tư duy ngôn ngữ của mình nó tốt lên. Tất nhiên phải lựa sách mà đọc, nhất là uy tín và khả năng thẩm mỹ của người viết, đặc biệt là sách văn học chứ kẻo thành vitamin quá liều. Muốn coi sách có đọc được không thì cứ ra nhà sách, mở 1 cuốn bất kỳ, sau đó mở 1 trang bất kỳ, đọc 1 đoạn bất kỳ. Đọc được hết đoạn đó mà hiểu, thì mới mua. Ngạn ngữ phương Tây có câu, đại ý là đừng bao giờ đi hỏi ý kiến hay đi tư vấn với một người không có thói quen đọc sáchvì họ có thể sẽ cho lời khuyên trớt quớt hay câu thành ngữ "người ít đọc sách thì không thể hiểu những vấn đề phức tạp " . Hay câu today a reader, tomorrow a leader...nên Tây hay Nhật, Hàn, thậm chí Thái, dân nó đọc sách rất kinh. Ở ga tàu điện ngầm nào cũng đọc, ở trên máy bay các chặng bay đường dài, đèn đọc sách lúc nào cũng bật sáng.....Việc đọc sách nhiều sẽ giúp cho gương mặt nó trở nên thanh tú và sáng trưng, dù xấu nhìn vẫn sáng......
Vậy thôi, vài dòng chia sẻ với sắp nhỏ. Thường người ta hay nói em mạnh toán hoá thì em yếu sinh lý, và ngược lại. Nhưng Tony hy vọng bạn nào cũng mạnh sinh lý, mạnh toán hoá, mạnh thể dục thể thao, mạnh văn sử địa hết nhen....
Chúc các bạn thi thiệt tốt!