Home » » Chuyện ở Rì Zọt

Chuyện ở Rì Zọt

Chuyện ở Rì Zọt

Phú Yên là vùng đất ở Nam Trung Bộ mà Tony thích nhất. Nhất là chiều chiều, khi nắng sắp tắt, ngồi trên mấy phiến đá sát biển ở Gành Đá Dĩa, bạn sẽ thấy đời đẹp như thế là cùng. Những viên đá được mài mòn và xếp hàng bởi bàn tay của tạo hóa, rất giống Causeway ở quận Antrim, Bắc Ai len, di sản thế giới mà dân châu Âu ai cũng muốn 1 lần tới thăm. Phú Yên đẹp, vẻ đẹp ngỡ ngàng của núi và biển đan xen vào nhau. Đặc biệt nhất là núi Thạch Bi, hay còn gọi là núi Đá Bia vì trên đỉnh núi có 1 tảng đá nhìn giống như bia đá. Có người bảo đó là cột mốc ranh giới Đại Việt và Chăm Pa sau khi Lê Thánh Tôn đích thân cầm quân đánh Chiêm Thành. Có người khẳng định đó chính là cột đồng Giao Chỉ với lời nguyền Mã Viện năm xưa, nhưng cũng có người cho là không phải vì thời đó khu vực này vẫn thuộc nước khác không phải Giao Chỉ. Người Chăm gọi đây là núi Cùi Bắp, vì nhìn lên trông giống cùi bắp. Nói chung là nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện xung quanh ngọn núi nổi tiếng này, nhưng ai ở Phú Yên mà chẳng biết câu ca dao " Chiều chiều mây phủ Đá Bia, Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng" hay là 1 lời trách thân, trách phận nghe thiệt dễ thương trong bài dân ca cùng tên.

Phú Yên đẹp, đẹp vì có núi Nhạn với bài hát tha thiết của Anh Bằng, "anh còn nợ em, chim về núi Nhạn, trời mờ mưa đêm". Phú Yên còn đẹp mỹ miều với dòng sông Ba, hay còn gọi là Đà Rằng, bồi đắp 1 châu thổ phù sa màu mỡ, là vùng trồng lúa lớn nhất trong các tỉnh Nam Trung Bộ, và là thị trường bán phân chủ yếu của Tony ở khu vực miền Trung. Đồ ăn ở đây thì ngon, ngon đến mức khiến Tony khóc 2 lần. Tony vốn dễ thương, cứ thấy đồ ăn ngon là ngồi khóc. 1 lần ăn cơm gà trong 1 hẻm nhỏ ở Tuy Hòa, hồi đó còn là thị xã, chưa lên thành phố. Cơm gạo địa phương lúa mới gặt nấu với nước luộc gà. Miếng thịt gà vàng ươm, cơm dẻo, ngọt ăn kèm hành chua ngâm, ăn no “cành hông” vẫn muốn ăn tiếp. Lần thứ 2 là người bạn đãi món bò phơi 1 nắng, ăn mới muối có giã con kiến gì trên núi. Con kiến này giống con kiến vàng bò trên mấy cây xoài, nhưng cái bụng nó có chứa 1 loại tinh dầu cay, thơm. Rang lên rồi giã với muối, thì nó cay xè như ớt. Mình chấm miếng bò 1 nắng này ăn, thì thôi ...không nói nữa, sợ ướt bàn phím.

Người Nam Trung Bộ, từ Bình Định trở vô với Phan Thiết, có kiểu phát âm nghe là lạ mà dễ thương vô cùng. Nghe riết ghiền luôn. Âm a nghe hơi giống âm e, âm ao thì hơi giống âm eo, còn âm an thì giống âm en kiểu Nam Bộ. Ở bên này là Quảng Ngãi, đang là Cô Coa Cô Loa thì qua bên kia Bình Định, biến thành Cô Ce Cô Le. Một khi bị bất ngờ, họ hay nói “ trầu quâu” có nghĩa là “ trời ơi”. Dân vùng quê thì phát âm nặng hơn dân phố. Nhưng ai ai cũng ăn nói thiệt thà chất phác, rất rất dễ thương.

Sáng nào Tony cũng dậy thiệt sớm đi dạo vòng vòng gần khách sạn. Thấy các bà các mẹ da đen thui vì rám nắng, quảy gánh bún cá đi tới chỗ dọn hàng cũng ngay trên lề đường, thường lựa 1 bóng râm nào đó ngồi cho chút trưa đỡ nắng, hàm răng cười trắng bóng, hỏi bún cé hông em thì Tony quất luôn 3 tô. Và ăn xong cứ ngồi nhìn các bà hoài, nhìn những gương mặt hồn hậu dưới cái nón lá trắng, thấy thích, thấy thương. Hay mấy anh xe ôm mà ngoài đó gọi là xe thồ cũng vậy, nhiệt tình đến độ lỡ ai dừng xe lại hỏi đường, không biết cũng ú ớ chỉ cho bằng được. Nên nếu hỏi trúng ai mà lao ra đường, đứng vung tay chỉ trỏ có vẻ chắc chắn ghê lắm thì đi theo, còn thấy ai mà ú ớ suy nghĩ 1 lúc rồi chỉ, thì nên hỏi thêm 1 anh xe thồ nữa nha, có khi anh mới này sẽ chỉ đi ngược lại. Bữa đầu tiên, mới sáng sớm bạn Tony tới khách sạn mình đang ở rủ đi cà phê sáng, cô tiếp tân gọi lên phòng " anh ơi, anh có bẹn tới tìm nè. Ảnh nói rủ anh đi uống trè đẹo". Mình nghe 1 phút thì hiểu là “ trà đạo”, liền xỏ quần dài lao xuống cầu thang rồi vun vút đi “trè đẹo” với đám bẹn dở thương chịu không nẩu.

Nước mình nó dài mà ốm nhách, từ vùng này qua vùng khác, thời xa xưa núi sông nó cách nó ngăn nên giao thông trắc trở, các vùng ít giao lưu với nhau, dân trong vùng tự nói với nhau rồi phát âm nó chệch đi ít nhiều, thành thổ ngữ hay phương ngữ. Nhưng nghe dân vùng nào nói thấy cũng đáng yêu. Nắm nguyên tắc phát âm 1 lúc là nghe hiểu hết, càng nghe càng thấy thú vị, càng thấy càng thương người Việt mình.

À trở lại vụ ở Phú Yên, Tony có chị bạn người Hà Nội, vào Phú Yên mở rì sọt ( resort) ven biển, ngày khai trương thôi tưng bừng khách khứa. Chị ấy muốn biết ơn các anh công nhân địa phương đã vất vả trong cả 2 năm trời trên công trường xây dựng, nên bữa khánh thành mới mời 1 anh lên phát biểu cảm nghĩ. Anh này phát biểu xong, cả rì sọt lăn ra cười, còn mấy quan khách ở Hà Nội vào hay Sài Gòn ra thì tái mặt. Biết ảnh nói sao hông, “chúc chị và công ty mình, khai trương rì sọt, làm ăn tấn tài tấn lộc, mã đéo thành công”!

Trầu quâu chắc chết !